Những tin vui ấy đến trong cùng một buổi chiều nắng đẹp ở Tokyo - nơi diễn ra một sự kiện với rất nhiều điều đặc biệt - Diễn đàn hợp tác Quốc tế Việt Nam và Nhật Bản.
Đây là diễn đàn quốc gia đầu tiên về lao động tổ chức tại nước ngoài và được tổ chức tại Nhật Bản, nơi có hơn 500.000 người Việt đang sinh sống, làm việc, trong đó có 350.000 người lao động Việt.
Theo chương trình, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Diễn đàn và sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu, Bộ trưởng rời sự kiện, tháp tùng Thủ tướng dự hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Khi cuộc hội đàm vừa kết thúc, bộ trưởng Đào Ngọc Dung ngay lập tức xin phép Thủ tướng quay trở lại Diễn đàn để "mang tới tin vui" để chia sẻ với hàng trăm người lao động Việt Nam tại Nhật Bản.
Tin vui ấy vừa được người đứng đầu Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản thống nhất trong cuộc hội đàm. Đó là quyết định tổ chức thi kỹ năng đặc định tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Thi kỹ năng đặc định, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói đó là "nỗi đau" của ông, khi Việt Nam và Nhật Bản chính thức ký bản ghi nhớ hợp tác về khung pháp lý để triển khai chương trình "lao động kỹ năng đặc định" từ năm 2019, song từ đó đến nay, việc này vẫn chưa được thực hiện.
Lâu nay, Việt Nam dù là quốc gia có số lượng thực tập sinh sang Nhật làm việc lớn nhất, nhưng một nghịch lý đang xảy ra khi lao động Việt phải mất thêm chi phí, bỏ tiền qua Campuchia, Indonesia để thi tuyển sang Nhật làm việc. Con số này tuy không lớn, song vẫn khiến người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải trăn trở.
Vì vậy, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật lần này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tận dụng cơ hội trao đổi ngay với Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước bạn Koizumi Ryuji để thúc đẩy giải quyết nút thắt này.
Và nỗ lực ấy đã có kết quả khi lãnh đạo hai nước thống nhất sẽ tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định ngay tại Việt Nam vào thời gian sớm nhất. Mốc thời gian Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến đưa ra là đầu năm 2024.
Bên cạnh đó, để chăm lo cho một bộ phận lao động ở khu vực phi lợi nhuận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam sẽ bỏ kinh phí để tất cả những lao động ở các huyện nghèo chọn đi Nhật, hoặc đi bất cứ quốc gia nào, sẽ được miễn hoàn toàn kinh phí, từ đào tạo, dạy ngoại ngữ, lo thủ tục xuất cảnh tới tạo điều kiện việc làm khi về nước.
Trước đông đảo người lao động Việt, Bộ trưởng thông tin việc lấy ngày 16/12 làm ngày Lao động Việt Nam tại Nhật Bản.
Cùng với quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng hợp tác về phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước đạt những kết quả rất đáng khích lệ, thể hiện trên 3 lĩnh vực lớn: Lao động; dạy nghề và giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống an sinh xã hội.
Trong đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh định hướng, Việt Nam tiến tới là quốc gia tiên phong trong an sinh xã hội và việc làm bền vững, để mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong lĩnh vực hợp tác lao động, Bộ trưởng đánh giá, Việt Nam phát triển khá nhanh với khoảng 350.000 lao động người Việt đang làm việc tại Nhật Bản, đứng đầu trong 15 quốc gia có lao động làm việc tại đây.
Nhưng điều đáng mừng không chỉ là sự tăng trưởng về số lượng, mà quan trọng hơn, đó là việc nâng cao về chất lượng khi rất nhiều người sau khi làm việc ở Nhật trở về đã thành ông chủ. Không chỉ có vậy, các lãnh đạo Nhật Bản cũng đánh giá cao vai trò nguồn nhân lực Việt Nam cung cấp cho nước này, cả về số lượng, chất lượng và niềm tin.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp tổ chức tọa đàm với những người lao động từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… trở về, để lắng nghe từng người nêu ý tưởng.
Bộ trưởng Dung và Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng KH&ĐT đã nhất trí sau diễn đàn ở Nhật Bản sẽ nghiên cứu có chính sách riêng cho những người đi lao động nước ngoài về và có nhu cầu khởi nghiệp.
Nhắc đến con đường từ đi làm thuê để về phấn đấu làm chủ, Bộ trưởng Lao động cho biết thực tế đã có những người thành công. Có người chưa thể làm chủ, nhưng chắc chắn cũng trưởng thành hơn rất nhiều, đặc biệt là những thanh niên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của những huyện nghèo nhất của vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai…
Ông Trần Thanh Lương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quốc tế (TIC), cũng chung cảm nhận phấn khởi sau khi dự một diễn đàn về hợp tác lao động với rất nhiều điều đặc biệt.
TIC là công ty có chức năng cung ứng nguồn nhân lực với kinh nghiệm hoạt động gần 20 năm, trong đó thị trường cung ứng chính là ở Nhật Bản. Đến nay, công ty này đã đưa hàng nghìn lượt thực tập sinh sang Nhật thực tập kỹ thuật.
Theo ông Lương, trong quá trình tổ chức hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, quy trình tuyển chọn nguồn lao động là khâu vô cùng quan trọng. Nếu thực hiện tốt công tác này ngay từ đầu sẽ có được những hạt giống nhân lực tốt, làm tiền đề thực hiện các công tác tiếp theo, nhằm cho ra đời những nhân tố thực sự chất lượng.
Thực tế, ông Lương cho rằng, khó khăn trong công tác tuyển nguồn lao động đã xảy ra khi suy thoái kinh tế chưa có sự hồi phục sau đại dịch Covid-19, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã lâm vào tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Để không lỡ "chuyến tàu phục hồi" sau giai đoạn này, lãnh đạo TIC đưa ra nhiều kiến nghị.
Trước hết, ông nhấn mạnh, cần nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp phái cử để tạo niềm tin cho người lao động khi lựa chọn doanh nghiệp đưa đi, trên cơ sở hoạt động theo đúng quy định của pháp luật hai nước.
Bên cạnh đó, cần yêu cầu doanh nghiệp phái cử áp dụng triệt để quy định của pháp luật, quy tắc do các tổ chức hiệp hội đưa ra, cam kết tuyển chọn lao động dựa trên tiêu chuẩn khách quan và theo yêu cầu của người sử dụng lao động nước ngoài.
Với các cơ quan Nhà nước, ông Lương kiến nghị tăng cường công tác thanh kiểm tra, sàng lọc những doanh nghiệp không đủ điều kiện hoạt động.
Đặc biệt, cần sớm đưa ra chế tài mạnh để ngăn chặn tình trạng tổ chức, cá nhân không có chức năng tham gia vào quá trình tuyển lao động và thu phí; tổ chức chiến dịch tuyên truyền để người lao động chọn đúng kênh hợp pháp đi làm việc ở nước ngoài thay vì phải qua khâu trung gian, dẫn dắt bên ngoài.